dcs - Bậc Thầy Giải Mã

 

Các đầu đọc thương hiệu Anh Quốc như Arcam, Naim, Chord… ở nhiều cấp độ đều được ưu chuộng. Có một cái tên đứng sau thành công đó, dù không quen thuộc với audiophile thế giới, nhưng đối với các chuyên gia đầu ngành, đó là chuẩn mực chất lượng của tất cả các tiêu chuẩn hi end khắt khe nhất. TTA trân trọng giới thiệu dCS, tên tuổi hàng đầu thế giới về thiết bị nguồn Digital và giải mã.

dCS có rất nhiều sản phẩm đầu tiên trên thế giới: ADC 24 bit dCS 900 năm 1988, ADC 24 bit/96 kHz năm 1993; DAC 24 bit/ 96kHz năm 1994, DAC và ADC 24 bit/196 kHz năm 1997. Năm 1998, dCS là hãng đầu tiên cho ra các máy mã hóa chuyển đổi DSD và upsampler DSD, trước Sony vài năm; năm 1999, các thiết bị chuyển đổi từ PCM sang DSD đầu tiên cũng của dCS.

Sơ Lược Về dCS

Năm 1987, một nhóm chuyên gia hàng đầu nước Anh về thiết bị giải mã thành lập công ty dCS (Data Conversion System) Ltd tại Cambridge. Công ty tập trung nghiên cứu giải mã, xử lý tín hiệu nguồn, quy trình biến đổi AD/DA; bên cạnh việc bán thiết bị, dCS nhận hợp đồng tư vấn giải pháp, đơn hàng theo yêu cầu. Từ ngày thành lập đến nay, các máy chuyển ADC, DAC của dCS khoảng hơn 40 model, không tính sản phẩm hi end audio.

dCS trang bị kỹ thuật cho rất nhiều phòng thu, hãng phim, đài phát thanh trên thế giới. Có thể kể đến như BBC, Galaxy Studio, Sony Music Studio, Universal Mastering… Trong lĩnh vực công nghiệp, dCS nhận đủ mọi đơn hàng từ y tế, viễn thông, mỏ địa chất, dây truyền sản xuất… đáng kể nhất là hợp đồng tư vấn giải mã cho hệ thống radar phòng thủ của quân đội Anh và hợp đồng mã hóa của thư viện quốc hội Mỹ.

Đội ngũ dCS ngoài chuyên môn cao, có sự liên kết chặt chẽ với phòng thí nghiệm ở các trường đại học. Mọi phát minh của hãng đều đăng ký bản quyền của dCS. Công ty cũng không thuộc sở hữu của cá nhân nào, ban điều hàng gồm các thành viên sáng lập giữ các chức vụ, mọi quyết định dựa trên sự đồng thuận nhóm.

Lấn Sân Vào Hi End Audio

Đến năm 1996, dCS mới quan tâm đến lĩnh vực điện tử tiêu dùng, phần vì nhận nhiều hợp đồng từ các hãng điện tử ở Anh, các đầu đọc CD Arcam dòng Diva và FMJ được trang bị kỹ thuật Bit Perfect và Ring DAC của dCS. Một sản phẩm của dCS lúc đó là DAC 950 rất được các tay DIY người Nhật ưu chuộng. Với kinh nghiệm có sẵn, dCS nhanh chóng cho ra sản phẩm hi end audio đầu tiên Elgar 96kHz/24 bit DAC năm 1997, năm 1999 là Elgar Plus 192kHz/24 bit. Elgar được các tờ tạp chí uy tín thế giới như Stereophile (Mỹ), Stereo Sound (Nhật), Diapason (Pháp), Hi Fidelity (Đức) đánh giá “số một chưa từng có”. Kỹ thuật Ring DAC dùng trong Elgar đến bây giờ vẫn không có đối thủ.

Sản phẩm thứ 2 Purcell Upsampler ra mắt năm 1999, Purcell có chức năng của một DDC (Digital Digital Converter), chuyển tín hiệu 44.1kHz/16 bit từ transport thành 96kHz/24 bit hoặc 192kHz/24 bit, Purcell cũng là bộ phát xung chủ ngoài với các tần số mẫu 44.1kHz đến 96kHz. Cũng nhu Elgar, Purcell làm xôn xao giới nhà nghề, lúc đó ngoài dCS gần như không có hãng nào có bộ Upsampler rời cho đầu đọc. Năm 1999, dCS cho ra Delius kết hợp Elgar và Purcell vào một máy, giá thành thấp hơn, cũng giành được vài giải thưởng nhưng tiêu thụ không bằng 2 sản phẩm trước. Các sản phẩm của dCS đều có sẵn khả năng nâng cấp tính năng, công nghệ mới.

Năm 2001, định dạng SACD mới có không lâu, dCS ra mắt CD/SACD transport đầu tiên thế giới Verdi, Verdi La Scala sau đó 2 năm thêm chức năng DSD upsampling. Công nghệ của dCS quá đỉnh, tuy nhiên bộ cơ tốt thì hãng không có. dCS quyết định dùng bộ cơ VRDS của Teac vì tên tuổi được đến khá nhiều tại Nhật. Bất cứ sản phẩm nào của dCS cũng được các tạp chí Hi Fi Nhật bình chọn “hay nhất năm”.

Sau nhiều nghiên cứu về hiệu quả bộ tạo xung chủ ngoài (master clock), tại triển lãm CES 2004, Verona ra mắt. Verona tạo tần số mẫu cho bất cứ đầu đọc, DAC nào, độ chính xác tới 200 phần tỷ. Verona thành công vang dội, tất cả tạp chí Hi Fi giới thiệu Verona đều bình chọn “Best Buy”.

Bộ tạo xung chủ chế tạo trên nền tảng kỹ thuật PLL (Phase Lock Loop). Đối với đầu đọc CD, jitter ảnh hưởng nhiều nhất đến tín hiệu gốc, jitter phát sinh ngay lúc bộ cơ bắt đầu quay. Vấn đề làm sao để tín hiệu ở đầu ra giống như tín hiệu ghi trong dĩa, giải pháp dùng cho đến ngày nay là dùng mạch tạo xung ngoài (clock) tạo tần số lấy mẫu (sampling frequency) giống như tín hiệu ghi trong dĩa, rồi điều chỉnh để tín hiệu vào khi đi ra khỏi đầu đọc có tần số giống như vậy.

Kỹ thuật PLL dùng trong đầu đọc là mạch điện đáp ứng cả tần số của tín hiệu nhận từ bộ cơ (đầu vào) và tần số lấy mẫu từ mạch tạo dao động (oscillator), điều chỉnh để tần số ở đầu ra giống tần số lấy mẫu (hai dải tần số trở nên cùng pha). Như vậy, dù bộ cơ bắt tuyệt đối chính xác tín hiệu ghi trong dĩa thì tần số mẫu vẫn có sai số do jitter. Để có tần số mẫu chính xác tuyệt đối, dCS và Esoteric cùng lúc phát minh ra bộ tạo xung chủ ngoài.

Khác với các hãng sản xuất audio, điện tử tiêu dùng truyền thống. dCS là nhà nghiên cứu công nghệ Digital, nhà tư vấn giải pháp, ứng dụng của dCS cho hi end audio vượt xa những gì thị trường hiện có. Sản phẩm ít, giá thành rất cao, dCS vẫn thành công với nhóm khách hàng cao cấp.

Kỹ Thuật Độc Nhất

 

 


dCS chỉ hé lộ chút nghề nhằm mục đích quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và để các tạp chí Hi Fi có việc để làm.

Bit Perfect: Độ nhiễu, méo âm, hiện tượng sai tín hiệu số (jitter) trong các thiết bị audio giống như lực ma sát trong tự nhiên, những yếu tố ảnh hưởng đến tín hiệu phát sinh ngay từ hoạt động của các thiết bị. Kỹ thuật giảm thiểu điều này liên tục cải tiến nhiều năm cho đến ngày nay và vẫn còn tiếp tục. Các chuyên gia của dCS cho rằng nên giải quyết jitter theo từng khu vực. dCS dùng linh kiện tốt nhất thế giới của Mundorf (Đức), XILINX, Motorola, Texas Instrument kết hợp với kỹ thuật giảm thiểu Jitter vùng. Mỗi mạch điện nhỏ đều trang bị khả năng giảm nhiễu.

Ring DAC: đây là một phần bộ giải mã dùng trong hệ thống radar phòng thủ của quân đội Anh, dCS thay đổi để ứng dụng vào thiết kế DAC. Ring DAC là mạch điện sử dụng bộ lọc tín hiệu số (digital filter), định hình nhiễu (noise shaped) và up and oversampling, tín hiệu sau cùng sẽ là 5 bit với tần số là 2.888MHz (176.4kHzx16) hoặc 3.072MHz (192kHzx16). Với Ring DAC, dCS tự tin cho rằng bất cứ hệ thống nào cũng hay lên.

DSD upsampling: tín hiệu PCM ghi trong dĩa CD là 16 bit/44.1 kHz; DSD upsampling phát triển từ upsampling 24 bit/192 kHz; bộ cơ bắt tín hiệu từ dĩa CD, mạch upsampling nâng tần số mẫu lên bốn lần thành 176.4kHz, tín hiệu trở thành 24 bit/ 176.4 kHz, sau đó mạch DSD data sẽ thêm các thanh đếm với tín hiệu 1 bit/ 2.822MHz (bước sóng 22.7 μs) vào, cuối cùng mạch Ring DAC sẽ cộng hai dải tần lại thành 5 bit/2.822 MHz. Với DSD upsampling, dCS tin rằng dĩa chất lượng CD sẽ được nâng lên gần như SACD vì tín hiệu PCM đã trở thành DSD.

Tại sao các thiết bị nguồn của dCS khác biệt hoàn toàn với phần còn lại? Dù rất mong muốn, các nhà chuyên môn và audiophile thế giới không thể biết gì hơn cho đến khi nào dCS công khai bí mật công nghệ.

Hình Ảnh Mới

Nhận thấy triển vọng thị trường hi end audio, dCS quyết định đầu tư nhiều hơn, hãng hợp tác với các công ty thiết kế hình ảnh, quảng cáo chuyên nghiệp. Đầu đọc CD/SACD P8i xuất xưởng cuối năm 2005 là bước thử nghiệm, P8i là đầu đọc hi end đầu tiên có chức năng DSD upsampling. Với slogan rất ấn tượng “As good as SACD produce sound – hay như SACD tạo âm thanh”; kiểu dáng đẹp, chất lượng cao, giá thành 13.000USD, P8i tiêu thụ rất tốt, tờ Stereophile bình chọn đầu đọc xuất sắc nhất năm 2006 với nhận xét “ở khoảng cách rất xa với thiết bị nguồn âm digital hiện tại”. Tuy nhiên, P8i có tuổi đời quá ngắn, với bước đi mới dCS đã ngưng tất cả sản phẩm từ P8i trở về trước.

Năm 2007, kỷ niệm 20 năm thành lập, dCS quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm hi end audio, bắt đầu với Scarlatti. dCS đã chú ý tạo dựng hình ảnh có phong cách hi end, không còn là những cái hộp đen thô kệch, sản phẩm dCS giờ có kiểu dáng bắt mắt với lớp áo nhôm sáng bóng, màn hình hiển thị màu xanh mềm mại.

Khám phá hệ thống đỉnh cao

dCS Paganini

dCS là một hãng chế tạo nguồn phát digital nổi tiếng với công nghệ “Ring DAC”. dCS được audiophile toàn cầu biết đến với chất lượng âm thanh hi-end đỉnh cao và mức giá cũng cao tương xứng. Xin giới thiệu cùng các bạn bộ sản phẩm Paganini đẳng cấp thứ 2 của dCS mà chúng tôi mới có dịp test gần đây.

Hệ thống nguồn âm 4 khối rời

Nếu quen quan sát các đầu đĩa CD tích hợp, thì bạn sẽ thấy hệ thống Paganini khá phức tạp và cồng kềnh, nó bao gồm 4 khối rời bao gồm: CD/SACD transport,Upsampler, DAC và Master Clock. Mục đích của dCS khi thiết kế dòng Paganini là muốn tạo nên một hệ thống có chất lượng đỉnh cao tương đương với dòng máy vô địch thế giới - Scarlatti, nhưng với giá cả hợp lý hơn nhiều. Mỗi thiết bị thuộc dòng Paganini đều đạt những chuẩn mực về công nghệ tiên tiến và sử dụng các linh kiện cao cấp như mọi sản phẩm khác của Scarlatti.

Dòng Paganini có những tính năng chính tương tự như Scarlatti, điểm khác biệt đáng kể duy nhất giữa hai dòng sản phẩm là cơ chế transport CD/SACD và bộ điều khiển từ xa. Những khác biệt đó hầu như không làm ảnh hưởng gì tới chất lượng âm thanh – âm thanh của Paganini vẫn xuất sắc không kém gì Scarlatti, trong khi giá thành sản xuất lại giảm đáng kể.

Paganini CD/SACD transport là khởi nguồn cho âm thanh của cả hệ thống. Vỏ của bộ cơ bằng bằng nhôm dày cứng cáp. Các nút bấm đều bằng kim loại với cơ chế vẫn hành hoạt động mượt mà. Bộ Paganini Transport sử dụng bộ cơ Esoteric™ UMK5, với một khay nhận đĩa bằng kim loại có hình thức riêng được đặc chế cho dCS. Tất cả các mạch xử lý tín hiệu và mạch điện bên trong bộ transport đều do dCS thiết kế. Chỉ duy nhất bộ cơ là đặt hàng của hãng TEAC, một trong 3 nhà sản xuất cơ phận CD/SACD tốt nhất hiện nay.

Bộ transport của Paganini có thể upsample dữ liệu âm thanh từ CD lên DSD, và hỗ trợ truyền tín hiệu qua giao diện IEEE1394. Tín hiệu SACD cũng được phát ở đúng định dạng DSD nguyên thủy của nó. Bạn cũng có thể phát tín hiệu CD thông thường hoặc lấy tín hiệu SACD down-sample qua 4 đầu ra PCM (2 AES3 và 2 S/PDIF).

Bộ Paganini Upsampler về bản chất là một bộ chuyển đổi số - số (digital to digital), nó nhận tín hiệu có tần số mẫu từ 32 tới 96kHz, rồi xuất tín hiệu số ra với mức sample rate ngang bằng hoặc cao hơn tín hiệu vào. Ví dụ, tín hiệu âm thanh từ đĩa CD chuẩn16bit/44.1kHz có thể được upsample lên 24bit/88.2kHz, 24bit/176.4kHz hoặc DSD trước khi đưa sang Paganini DAC. Còn tín hiệu 24bit/96kHz từ các nguồn HD có thể được upsample lên 24bit/192kHz hoặc DSD. Bộ Upsampler của Paganini có ba loại đầu vào và ba loại đầu ra, tất cả đều là digital. Đầu ra digital gồm đồng trục S/PDIF, cân bằng AES/EBU và IEEE1394. Đầu vào digital gồm kết nối S/PDIF RCA, một AES/EBU XLR và một cổng USB không đồng bộ.

Nói thêm về kết nối USB của Paganini Upsampler. Đây chính là công nghệ USB cao cấp mà các hãng như Wavelength hay Ayre vẫn sử dụng. Tuy nhiên, ở dCS, hãng đã tự mình thiết kế giao diện USB này bởi đội ngũ kỹ sư lành nghề của chính hãng. Bạn có thể sử dụng cổng USB này để đấu với máy tính và tận dụng hệ thống Paganini để thưởng thức các file nhạc trên máy của mình (tất nhiên chất lượng âm thanh sẽ không thể nào ngang bằng những nguồn nhạc đích thực như đĩa CD).

Trong hệ thống của dCS, có lẽ Paganini DAC là một thiết bị độc đáo nhất và làm nên tên tuổi độc đáo của dCS so với tất cả các hãng hi-end khác. Trong khi có tới “99%” mạch DAC của các hãng khác sử dụng chip DAC có sẵn trên thị trường, thì dCS một mình phát triển hệ thống mạch Ring DAC riêng với khoảng 40 con chip. Mạch xử lý digital hoạt động trên nền tảng chip Field Programmable Gate Array (FPGA), Digital Signal Processing (DSP) và một bộ vi xử lý, tất cả đều là độc quyền và là bí mật tuyệt đối của dCS.

Paganini DAC có bốn đầu vào digital, chấp nhận một dải tần số mẫu rất rộng. Hai đầu vào AES/EBU nhận được tín hiệu từ 32 tới 192kHz. Còn hai đầu vào coaxial S/PDIF thì nhận được tín hiệu audio digital từ 32 tới 96kHz. Một cổng IEEE1394 (FireWire) được dùng riêng cho tín hiệu DSD được mã hóa; bạn không thể dùng nó để đấu với máy tính. Đầu ra analog gồm có RCA và balance XLR. Tầng xuất tín hiệu analog của DAC thiết kế chạy hoàn toàn ở Class A. Bạn có thể điều chỉnh mức tín hiệu ra từ 2V tới 6V qua menu của Paganini DAC, trong quá trình thử nghiệm bộ này, chúng tôi đặt ở mức 6V. Bộ DAC Paganini cũng có volume digital rất hoàn hảo, tiện sử dụng và theo như hãng cho biết, hoàn toàn không làm ảnh hưởng gì tới chất lượng âm thanh. Cuối cùng, Paganini DAC cũng có đường clock in và out, cho phép bạn kết nối với bộ tạo xung chủ hoặc dùng chình DAC này làm master clock cho các thiết bị số khác.

Để hoàn thiện hệ thống, thiết bị cuối cùng là Paganini Master Clock. Đây chính là một bộ tạo xung chủ (Master clock) rời chất lượng cao, giúp cải thiện và đem lại sự tinh tế cho âm thanh. Nó được thiết kế mạch rất giống với bộ Master Clock trong dòng Scarlatti, dòng sản phẩm cao cấp nhất của dCS, nhưng với mức giá thấp hơn. Xung đồng bộ là một yếu tố rất quan trọng bởi sai lệch về pha (timing) xảy ra trong bộ DAC sẽ bị chuyển trực tiếp thành lỗi âm thanh nghe thấy được ở đầu ra analog. Mặc dù bản thân Paganini DAC có thể đóng vai trò làm Master Clock riêng, nhưng để vươn tới sự hoàn hảo, không gì có thể thay thế được một bộ clock rời đích thực.

Paganini Master Clock sử dụng được với mọi thiết bị hỗ trợ tín hiệu clock chuẩn kết nối BNC 75ohm. Nó có tới sáu đầu ra word clock, cho phép bạn kết nối các thiết bị của mình với nhau và đảm bảo toàn bộ hệ thống có chung một nguồn clock siêu chính xác. Theo dCS, chất lượng âm thanh sẽ đạt đến mức tốt nhất khi mọi thiết bị trong hệ thống của bạn đều nhận Paganini Master Clock làm nguồn clock duy nhất. Thực tế cũng đã chứng minh điều đó cho chúng tôi, và trong toàn bộ quá trình thử nghiệm này chúng tôi đấu Paganini Master Clock với tất cả mọi thiết bị được thử nghiệm.

Điểm thú vị hơn nữa của hệ thống dCS Paganini là toàn bộ các thiết bị thuộc dòng Paganini đều hoạt động dựa trên phần mềm. Điều này đồng nghĩa với việc các quá trình hiệu chỉnh, nâng cấp hệ thống và bổ sung các tính năng mới hoặc cải thiện tương thích với các định dạng âm thanh, tất cả có thể được thực hiện đơn giản bằng cách chạy một chiếc đĩa cập nhật của dCS.

Chất lượng âm thanh

Không cần phải nghi ngờ gì về chất lượng âm thanh của hệ thống Paganini này, một hệ thống với mức giá cao đến từ một hãng sản xuất tên tuổi lừng danh nhất thế giới chắc chắn phải xứng đáng với đẳng cấp của mình. Vấn đề duy nhất còn lại là xem xét xem chất âm hi-end này có hợp với sở thích của bạn hay không mà thôi. Và đối với chúng tôi, cảm nhận về âm thanh của hệ thống Paganini là rất tinh tế, trung thực và tự nhiên. Nó mượt mà, rộng mở, cực nhanh nhưng không hề tỏ ra khô cứng và thiếu sức sống.

Album đầu tiên mà chúng tôi thử nghiệm là Only The Lonely của Frank Sinatra. Track cuối cùng trong đĩa này, One For My Baby nghe khác hẳn so với những gì chúng tôi từng có dịp thưởng thức. Nổi bật nhất là khả năng tái hiện lại cảm giác khoáng đạt và rộng lớn như bao trùm lấy không gian của giọng hát của Sinatra. Tiếng treble cao và trong, tiếng bass trầm lắng còn dải trung, phần quan trọng nhất, đem lại cảm giác chân thực tới khó tin. Điều đáng nói là đây hoàn toàn không phải chất âm được thêu dệt hay tô vẽ nên, nó là chất âm thực sự của đĩa nhạc – bộ Paganini không làm “đẹp hóa” âm thanh, thay vào đó, nó đánh thức những nét tinh tế ẩn sâu nhất của âm nhạc mà rất ít hệ thống bạc tỷ nào khơi dậy được.

Đĩa Tenderness của Marcus Miller làm chúng tôi cực kì hài lòng, bởi âm thanh của nó rất chi tiết, rõ ràng và cụ thể, nhưng lại không tạo cảm giác khô cứng và nhân tạo, nghe rất gần giống như chất âm của đĩa vinyl. Chúng tôi cũng đã bị choáng ngợp trước không gian âm thanh và và vị trí của âm hình, tất cả chính xác tới mức không có từ nào thích hợp để miêu tả hơn là “tuyệt vời”. Âm sắc của mỗi nhạc cụ đều có nét đặc trưng riêng – saxophone rộng mở, violin êm dịu và piano huyền bí.

Chuyển sang Just A Little Lovin’ của Shelby Lynne. Album này được ghi bởi kĩ sư ghi âm đẳng cấp thế giới, Al Schmitt, nên chất lượng âm thanh của nó cực tốt. Không nhiều thiết bị nắm bắt và tái tạo được hoàn mỹ đĩa nhạc này một cách trọn vẹn, nhưng chúng tôi tin rằng hệ thống Paganini làm được điều đó. Giọng hát của Shelby không hề có cảm giác phát ra từ loa, mà như lan tỏa từ chính giữa hai loa, không quá xa mà cũng không quá gần, nổi bật và hiện lên giữa không gian. Tiếng cymbal có một chút mềm mại chứ không hoàn toàn là ồn ào và chói gắt, vang dội từ loa bên trái sang loa bên phải một cách tự nhiên và chính xác.

Có thể so sánh thế này, nếu nhiều bộ DAC hi-end phủ một lớp véc-ni bóng mượt lên chất âm, thì bản thân âm thanh của bộ Paganini đã là thứ lụa mềm mại và mượt mà một cách tự nhiên. Không chỉ tự nhiên về bản chất, mà cái cách hệ thống Paganini đưa âm nhạc tới cho bạn cũng khác biệt – nó như mời gọi và lôi cuốn bạn bước vào thế giới âm nhạc một cách tự nguyện, thay vì đẩy nhạc về phía bạn. Mặt khác, cũng chính tính trung thực này giúp Paganini hoạt động hoàn hảo với mọi thể loại nhạc – từ đồng quê tới cổ điển, từ jazz tới rock, mà không gặp một chút khó khăn nào. Nói cách khác, Paganini đem lại cho bạn sắc thái đặc trưng của mỗi người nghệ sĩ, mỗi loại âm nhạc, chứ không phải là mang chất âm của thiết bị hi-end.

Ưu điểm:

  • Kết cấu cứng cáp, đẹp sang trọng kiểu Châu Âu
  • Âm thanh trung thực và tự nhiên hơn tất cả các bộ hi-end trong cùng tầm giá


Nhược điểm:

  • Nhược điểm duy nhất: giá quá cao

Tin tức nổi bật